Cách chăm sóc cây hồng môn đúng cách giúp cây phát triển tốt
Cây hồng môn là giống cây cảnh có khả năng sinh trưởng tốt trong bóng râm mà không cần quá nhiều ánh sáng. Vì vậy loài cây này rất phù hợp để trồng trong nhà hoặc văn phòng. Tuy nhiên, để cây phát triển khỏe mạnh và ra hoa đều đẹp, bạn cần nắm rõ cách chăm sóc cây hồng môn. Trong bài viết này, Không Gian Xanh sẽ hướng dẫn bạn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồng môn trong nhà một cách cực kỳ đơn giản. Cùng theo dõi ngay nhé!
Đặc điểm cây hồng môn
Hồng môn là loại cây lâu năm có sức sống mạnh mẽ và thường mọc thành bụi. Cuống lá của cây có dạng hình trụ với chiều cao trung bình từ 30 đến 60 cm. Lá của cây hồng môn có hình trái tim, màu xanh đậm trong khi những lá non thường có màu nhạt hơn và tỏa đều quanh bụi cây. Hoa hồng môn nở quanh năm, mọc thành cụm dài và gắn trên mo hoa, có màu đỏ hoặc hồng với hình dáng trái tim.
Mặc dù cây hồng môn thủy sinh có vẻ ngoài rất bắt mắt nhưng các bộ phận của nó chứa độc tố như saponin và các tinh thể oxalat canxi. Tuy lượng độc tố này không đủ để gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu ăn phải có thể gây sưng miệng, kích ứng môi hoặc làm rát cuống lưỡi và cổ họng. Vì vậy, nếu trồng cây hồng môn trong nhà, bạn nên đặt cây ở vị trí cao, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ.
Ý nghĩa phong thủy cây hồng môn
Hồng môn là tên gọi được kết hợp từ hai từ có ý nghĩa tốt đẹp: “hồng” và “môn”. Trong tiếng Trung, từ “hồng” tượng trưng cho màu đỏ, biểu thị sự may mắn, hạnh phúc và phát tài phát lộc. Từ “môn” có nghĩa là cánh cửa, biểu tượng cho lối vào của mỗi căn nhà. Vì thế, việc sở hữu cây hồng môn trong nhà được xem như việc mở ra cánh cửa mang lại tài lộc, may mắn và những điều tốt lành.
Kỹ thuật trồng cây hồng môn tại nhà
So với nhiều loại cây kiểng khác, việc trồng và chăm sóc cây hồng môn khá đơn giản. Bạn có thể thực hiện theo hai phương pháp dưới đây:
Cách trồng hồng môn trong đất
Để trồng cây hồng môn trong đất, bạn nên chọn loại đất phù sa có độ tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt và không chứa mầm bệnh. Bạn có thể trộn đất theo tỷ lệ sau: 3 phần đất sạch, 2 phần giá thể trấu hun, 3 phần phân trùn quế và 2 phần giá thể mụn dừa.
Sau khi đã chuẩn bị hỗn hợp đất, hãy cho đất vào chậu sao cho cách miệng chậu khoảng 3-5 cm. Đặt cây con vào giữa chậu sau đó lấp đất xung quanh gốc cây và ấn nhẹ tay để đất nén chặt hơn mà không làm vỡ bầu cây. Cuối cùng, tưới nước để giúp rễ cây dễ dàng tiếp xúc với đất.
Cách trồng cây hồng môn thủy sinh
Phương pháp trồng cây hồng môn bằng thủy sinh cũng rất đơn giản và thú vị. Bạn cần chuẩn bị một bình thủy tinh để dễ dàng quan sát sự phát triển của bộ rễ cây.
Để bắt đầu, hãy rửa sạch đất bám trên rễ cây, cắt bỏ những đoạn rễ bị đứt, thối hoặc sâu bệnh. Tiếp theo, đổ nước và dung dịch dinh dưỡng thủy sinh như Hydroponic, Bio-Life,… vào bình sau đó đặt cây con vào. Khoảng 15 ngày sau khi trồng, bộ rễ sẽ bắt đầu phát triển. Để cây sinh trưởng tốt, bạn nên thay dung dịch thủy sinh mỗi tuần một lần nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây.
Cách chăm sóc cây hồng môn trong nhà
Nhìn chung, việc chăm sóc cây hồng môn để bàn không quá phức tạp nhưng bạn cần lưu ý một số điểm quan trọng để giúp cây phát triển tốt và nở hoa thường xuyên:
- Tưới nước: Tưới cây 1 lần/tuần vào mùa lạnh và 2 lần/tuần vào mùa khô. Tránh tưới quá nhiều nước vì điều này có thể khiến cây bị úng rễ.
- Nhiệt độ: Cây hồng môn phát triển tốt trong khoảng nhiệt độ từ 15–30°C do đó cây thích hợp trồng ở cả những nơi có điều hòa.
- Ánh sáng: Tránh đặt cây dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp vì cây hồng môn có thể bị cháy lá. Tuy nhiên, cây vẫn phát triển tốt dưới ánh sáng nhân tạo từ đèn điện hoặc đèn huỳnh quang.
- Sâu bệnh: Mặc dù cây hồng môn ít bị sâu bệnh nhưng đôi khi vẫn gặp tình trạng thối thân, thối rễ. Khi đó, bạn nên cắt bỏ các lá già và nhổ cỏ dại xung quanh để ngăn ngừa nấm mốc.
- Bón phân: Để cây phát triển tốt, bạn nên bón phân định kỳ 15 ngày/lần bằng phân NPK 20-20-15+TE, pha loãng với tỉ lệ 1kg phân cho 300 lít nước. Bạn cũng có thể bổ sung thêm B1 và phân bón lá 7 ngày/lần. Ngoài ra, có thể kết hợp bón phân chuồng, phân NPK tổng hợp hoặc phân hữu cơ dạng viên tan chậm nhưng chỉ nên bón định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh và nở nhiều hoa.
Một số lưu ý khi chăm sóc cây hoa hồng môn
Cây hồng môn là loại cây cảnh mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp nhưng không phải ai cũng nắm rõ kỹ thuật trồng và cách chăm sóc để cây phát triển khỏe mạnh. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi chăm sóc cây hồng môn:
- Vị trí đặt cây: Khi trồng cây hồng môn trong nhà, tránh đặt cây ở nơi có ánh sáng mạnh hoặc các vị trí mà gió từ quạt hay điều hòa thổi trực tiếp vào cây.
- Độ ẩm: Sử dụng bình phun sương để duy trì độ ẩm cho cây hồng môn với tần suất phun mỗi 2–3 ngày/lần.
- Ánh sáng tự nhiên: Nếu cây hồng môn trồng trong nhà quá lâu, cây có thể bị yếu đi. Vì vậy, mỗi 3–4 tháng, bạn nên đưa cây ra ngoài để cây có thể hấp thụ ánh sáng tự nhiên cần thiết.
- Trang trí nội thất: Nếu sử dụng cây hồng môn để trang trí nội thất, hãy chọn thời điểm khi cây ra hoa và lá xanh tốt, không có dấu hiệu sâu bệnh trên lá.
- Cắt tỉa: Loại bỏ các lá già, lá vàng hoặc lá bị sâu bệnh để giúp cây phát triển khỏe mạnh và sinh trưởng tốt hơn.
Lời kết
Trên đây là những thông tin cơ bản về cách chăm sóc cây hồng môn để cây phát triển nhanh chóng trong nhà. Hy vọng rằng, với những chia sẻ từ Không Gian Xanh, bạn sẽ sở hữu được những chậu hồng môn tươi tốt nhất.